Các
nhà nghiên cứu phát hiện, bộ não người phát triển nhanh nhất chỉ ngay sau khi
sinh và đạt kích thước bằng 1/2 kích thước bộ não của người trưởng thành trong
vòng 3 tháng đầu đời.
Suốt
nhiều thế kỷ qua, các bác sĩ đã phỏng đoán sự phát triển của bộ não người thông
qua kết quả đo chu vi đầu của một đứa trẻ theo thời gian. Bất kỳ thay đổi nào
so với các mẫu tăng trưởng bình thường đều được giám sát chặt chẽ do chúng có
thể ám chỉ những trục trặc về phát triển.
Tuy
nhiên, do hình dáng đầu của mọi người tương đối khác nhau, nên cách đo chu vi
đầu như vậy không phải lúc nào cũng chính xác.
Kết quả quét não hé lộ, bộ não của trẻ sơ sinh phát
triển nhanh nhất, đạt 1/2 kích cỡ não của người trưởng thành sau 3 tháng. (Ảnh
minh họa: SPL)
Một
nhóm nhà nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Đại học California (Mỹ) đứng đầu
đã thử nghiệm cách đo khác. Họ sử dụng các kỹ thuật chụp, quét não tiên tiến
đối với 87 trẻ khỏe mạnh từ lúc mới sinh đến khi được 3 tháng tuổi.
Nhóm
nghiên cứu phát hiện, những thay đổi có tốc độ nhanh nhất xuất hiện ngay sau
khi sinh, với bộ não trẻ sơ sinh tăng trưởng với tốc độ trung bình 1%/ngày. Tốc
độ này chậm dần, giảm xuống còn 0,4%/ngày vào cuối đợt kiểm tra kéo dài 90
ngày.
Các
nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, tiểu não - vùng não có liên quan đến việc
kiểm soát vận động, có tốc độ phát triển nhanh nhất, gấp đôi kích thước ban đầu
sau 90 ngày. Vùng não phát triển chậm nhất đo được là vùng hồi hải mã
(hippocampus), một cấu trúc đóng vai trò quan trọng trong quá trình ghi nhớ
và hình thành các ký ức.
Các
nhà khoa học nhận định, khác biệt trên phản ánh tầm quan trọng của các kỹ năng
vận động và ghi nhớ ở trẻ sơ sinh.
Kết
quả quét não còn hé lộ, bộ não của các bé trai sơ sinh phát triển nhanh hơn bộ
não của các bé gái đồng trang lứa. Ngoài ra, khi mới chào đời, những đứa trẻ
sinh non cũng có bộ não nhỏ hơn 4% so với bộ não của những trẻ sinh đủ ngày, đủ
tháng. Bất chấp việc phát triển với tốc độ nhanh hơn, bộ não của chúng vẫn nhỏ
hơn 2% so với bộ não của trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng sau 3 tháng.
Theo
các chuyên gia, việc thu thập các dữ liệu như trên có thể giúp họ nhận diện
những dấu hiệu sớm của các rối loạn phát triển ở người, chẳng hạn như bệnh tự
kỷ.
Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch điều tra xem
liệu việc sử dụng thuốc và rượu cồn trong quá trình mang thai có làm thay đổi
kích thước não của trẻ khi chào đời hay không.
Theo khoahoc.tv