HỌC THUYẾT ĐA TRÍ TUỆ - AI CŨNG THÔNG MINH

Phải chăng một cô bé không thể giải một bài toán thầy giáo đưa ra là một cô bé kém thông minh? Một cầu thủ bóng đá với những pha xử lí tình huống nhanh nhạy, linh hoạt - khi còn đi học đã  từng có kết quả tổng kết môn Văn, Toán, Anh thấp lẹt đẹt - có phải là người không thông minh? Liệu sự thông minh của một người có phải chỉ được đo bằng chỉ số IQ mà thôi ? Tại sao thuật ngữ “thông minh” chỉ được giới hạn trong một khuôn khổ nhỏ của rất nhiều nỗ lực của con người? Từ những câu hỏi này mà lý thuyết đa trí tuệ được hình thành. 
Thuyết đa trí tuệ (đa năng lực) của Howard Gardner
Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences )
Theo Gardner, trí thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau “là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa” (the ability to solve problems, or to create products, that are valued within one or more cultural settings) và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.
Lý thuyết của Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh:
  • Trí thông minh về toán học/logic (Mathematical/logical)
  • Trí thông minh về ngôn ngữ/lời nói (Verbal/linguistic)
  • Trí thông minh về thị giác/không gian (Visual/spatial)
  • Trí thông minh về vận động (Bodily/kinesthetic)
  • Trí thông minh về âm nhạc/giai điệu (Musical/rhythmic)
  • Trí thông minh hướng ngoại (Interpersonal)
  • Trí thông minh hướng nội (Intrapersonal)
  • Trí thông minh hướng về thiên nhiên (Naturalist)
Bên cạnh đó, Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác. Trường học đã bỏ rơi các em có thiên hướng học tập thông qua âm nhạc, vận động, thị giác, giao tiếp…đồng thời chèo lái tất cả mọi học sinh đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá và phán xét. Nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn nếu chúng được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng.
Những gợi ý để phát triển theo Thuyết đa trí tuệ trong dạy học 
Giáo viên cần coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi học sinh, mỗi loại trí tuệ đều quan trọng và mỗi học sinh đều có ít nhiều khả năng theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh phải là nơi giúp đỡ, khơi gợi tiềm năng, tạo điều kiện học tập theo các hướng khác nhau cho các chủ nhân tương lai của xã hội.
a) Về phương pháp dạy học: Thuyết đa trí tuệ giúp giáo viên cách suy ngẫm, chọn lựa phương pháp dạy học sao cho hay nhất và phù hợp nhất với bản thân họ và họ hiểu thấu đáo vì sao phương pháp đó là hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả với học sinh này mà không hiệu quả với học sinh kia.
Thuyết này cũng giúp giáo viên áp dụng linh hoạt hơn các PPDH và kĩ năng sử dụng các tài liệu, các thiết bị dạy học đa dạng hơn, phong phú hơn.  Trong lớp học đa trí tuệ, giáo viên phải linh hoạt thay đổi phương pháp và khéo léo chuyển từ lối dạy ngôn ngữ sang lối dạy không gian rồi lối dạy âm nhạc hay vận động, giao tiếp,…
Qua nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy, việc tổ chức dạy học bằng áp dụng linh hoạt, tổng hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai gần đây như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bàn tay nặn bột, bản đồ tư duy,…sẽ  tạo ra môi trường học tập đa trí tuệ rất hiệu quả.
b) Về môi trường lớp học đa trí tuệ:
Môi trường dạy học cần phải được thiết kế, bố trí, sắp xếp để phù hợp với nhu cầu của nhiều loại trí tuệ khác nhau ở học sinh. Ứng với mỗi loại trí tuệ, cần đặt một số câu hỏi theo gợi ý sau: Từ ngữ dùng trong lớp học đã phù hợp với học sinh chưa? Học sinh được tiếp xúc với chữ viết như thế nào? (Ngôn ngữ); Thời gian biểu đã phù hợp với học sinh chưa (logic/toán học); Bàn ghế, các thiết bị dạy học trong lớp bố trí hợp lí chưa? (không gian),…
Thực hiện tốt năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phát động cũng góp phần phát huy đa trí tuệ cho học sinh. Chẳng hạn, làm tốt nội dung hoạt động tập tập thể (câu lạc bộ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian) là phát huy trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động, trí thông minh giao tiếp cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa chính là môi trường tốt để mỗi cá nhân vừa phát huy trí thông minh của mình, vừa phát triển tính sáng tạo, “cái tôi” không thể trộn lẫn.
Tạm kết:
Thuyết đa trí tuệ đã mang lại một cái nhìn nhân bản và cần thiết nhằm kêu gọi nhà trường và giáo viên coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi học sinh: mỗi loại trí tuệ đều quan trọng và mỗi học sinh đều có ít nhiều khả năng theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Nhà trường phải là nơi giúp đỡ, khơi gợi tiềm năng, tạo điều kiện học tập theo các hướng khác nhau cho các chủ nhân tương lai của xã hội. Làm được điều đó, chúng ta sẽ giúp mỗi học sinh tỏa sáng và thành công trong cuộc sống của các em.
Theo/hn-ams.edu.vn