Chúng ta đều biết não có tác động đến các hoạt động của tay, vậy
ngược lại, các hoạt động của tay sẽ phản ánh điều gì về sự phát triển của hai
bán cầu đại não? Trả lời được câu hỏi này sẽ rút ra điều có ích trong cuộc sống
và làm thay đổi quan niệm về thuận tay phải hay trái.
Tạp chí Plosone số 8 (4/2013) đã công bố một nghiên cứu của nhà
nghiên cứu Ruth E Propper và các đồng nghiệp của ông tại Đại học
bang Montclair về mối liên quan giữa sự nắm chặt tay và ý nghĩ. Theo
đó, trong nghiên cứu của mình, họ chỉ rõ hai việc: đầu tiên là ghi nhớ một bảng
danh sách (gọi là quá trình hình thành việc nhớ) sau đó nhắc lại 72 từ đã ghi
nhớ được trong bảng danh sách đó (gọi là quá trình nhớ lại).
Thử nghiệm được tiến hành cùng với việc nắm chặt bàn tay phải,
tay trái hoặc không nắm bàn tay nào. Kết quả cho thấy, chỉ có nhóm nắm tay phải
trong quá trình hình thành việc nhớ và nắm tay trái trong quá trình nhớ lại có
hiệu quả cao hơn cả so với các nhóm khác.
Từ đó họ đưa ra kết luận: nắm chặt một bàn tay sẽ kích hoạt vùng
não cụ thể; sự kích hoạt đó có liên quan đến trí nhớ: nắm chặt bàn tay phải
giúp cho quá trình hình thành việc nhớ tốt hơn, nắm bàn tay trái giúp cho quá
trình nhớ lại tốt hơn.
Người thuận tay trái có ưu thế
trong những hoạt động đòi hỏi sức chịu đựng, áp lực cao.
Trước đó, tạp chí Tâm lý học thực nghiệm (19/9/2012) công bố một
nghiên cứu của Hội Tâm lý học Mỹ về mối quan hệ giữa việc tay siết chặt một quả
bóng hoặc nắm chặt bàn tay trái để giành chiến thắng của vận động viên trước
đối thủ cạnh tranh. Thử nghiệm chỉ thực hiện trên những người thuận tay phải.
Kết quả cho thấy, khả năng chịu đựng áp lực của nhóm siết một quả bóng trong
tay trái tốt hơn (ít bị nghẹt thở hơn) so với nhóm siết chặt quả bóng trong tay
phải (bị nghẹt thở nhiều hơn trước áp lực).
Các nhà khoa học đưa ra cách giải thích: Bán cầu não phải kiểm
soát phần chuyển động của bên trái, bán cầu não trái kiểm soát vận động về bên
phải. Việc siết chặt quả bóng trong bàn tay trái sẽ kích hoạt bán cầu não phải,
do đó làm tăng sức chịu đựng áp lực. Các chuyên gia đã đưa ra cùng một nhận xét
trong thể thao: Khi vận động viên có ý thức để kiểm soát sự hoạt động một cách
thái quá thì chính sự nỗ lực thái quá này tạo ra một áp lực và áp lực này làm
suy yếu, mất hiệu quả của sự hoạt động. Chẳng hạn, cố gắng thái quá để giữ
thăng bằng thì chính điều này tạo ra áp lực làm cho vận động viên mất thăng
bằng. Lẽ dĩ nhiên, vận động viên cần có một động tác nào đó để chống lại áp lực
này mới chiến thắng được. Trong đời sống cũng vậy, người già hay sợ bị ngã khi
leo cầu thang, sự lo lắng thái quá này tạo ra một áp lực. Họ siết chặt tay trái
của mình làm tăng sức chịu đựng trước áp lực và nhờ đó mà không bị té ngã. Phải
chăng vì điều này mà các nhà khoa học thường khuyên vận động viên và mọi người
cần phải có tâm lý thoải mái trước mỗi thử thách hay chướng ngại vật cần vượt
qua mà không nên tạo ra áp lực (trước thi cử, biểu diễn, thi đấu…).
Siết chặt tay liên quan đến việc kích động bán cầu não. Vậy
người thuận tay phải, người thuận tay trái sẽ khác nhau thế nào? Giáo sư nhân
chủng học David Frayer (Đại học Kansas, Mỹ) cùng các đồng nghiệp ở Crotia và
Italia, Tây Ban Nha đã công bố một bài báo (20/4/2011) cho rằng: Từ thời tiền
sử cách đây nửa triệu năm, số người thuận tay phải đông hơn (93,1%) so với
người thuận tay trái (6,9%). Tỷ lệ đó hầu như không đổi cho đến nay. Theo David
Frayer, sự thuận tay phải chứng tỏ khả năng phát triển của bán cầu não trái và
vì bán cầu não trái chịu trách nhiệm về ngôn ngữ nên cũng vì thế mà có thể
hiểu được vì sao ngôn ngữ lại sớm phát triển ở người thời tiền sử.
Trong các môn thể thao tình huống luôn luôn thay đổi, đòi hỏi sự xử lý nhanh
như bóng đá, cầu lông thì vận động viên thuận tay phải chiếm ưu thế, song trong các
môn thể thao đòi hỏi cao sự quyết tâm, sự chịu đựng như chơi golf, boxing, khúc
côn cầu, bóng chày thì vận động viên thuận tay trái lại chiếm ưu thế.
Các nghiên cứu trên có sự độc lập với nhau, song các kết quả lại
tương đối trùng hợp, có thể đưa đến kết luận: Sự nắm chặt bàn tay phải giúp cho
quá trình hình thành trí nhớ, ghi nhớ và xử lý tình huống tốt hơn thì sự nắm
tay trái lại giúp cho quá trình nhớ lại, giúp cho việc chịu đựng áp lực tốt
hơn. Bởi vậy, việc thuận tay nào cũng có vai trò quan trọng cả. Sự thuận tay
phải hay tay trái phản ánh tính linh động của bán cầu não tương ứng, chứ không
phản ánh ưu thế của sự thuận tay nào, dù cho số người thuận tay phải chiếm đa
số.
Theo suckhoedoisong.vn