(PNGĐ) -- Cha mẹ nào cũng biết rằng việc rung lắc liên tục một món đồ chơi hoặc ngân nga hát ru sẽ từ từ đưa bé yêu đi vào giấc ngủ. Nhưng ít ai thực sự hiểu được những tác động của âm nhạc lên sự phát triển não bộ của bé.
Tiến sĩ tâm lý học Frances Rauscher và nhà tâm thần học Gordon Shaw (người Mỹ) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về sự liên quan giữa âm nhạc với não bộ trẻ nhỏ. Kết quả các nghiên cứu đều cho thấy việc tiếp xúc sớm với âm nhạc sẽ thúc đẩy khả năng của bé trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả ngôn ngữ và toán học. Một nghiên cứu sau đó của đại học Brigham Young (Mỹ) cũng cho thấy âm nhạc có tác động tích cực đến sự phát triển thể chất của trẻ sinh non và có thể tăng cường khả năng giữ bình tĩnh ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là 4 điều các bậc cha mẹ nên biết về mối quan hệ giữa âm nhạc với trí thông minh của trẻ:
1. “Khởi động” các khớp thần kinh
Theo chuyên trang về trẻ sơ sinh Zerotothree.org, ba năm đầu đời của một đứa trẻ là quan trọng nhất đối với sự phát triển não bộ. Khi mới ra đời, trọng lượng não bộ trẻ sơ sinh chỉ bằng 25% trọng lượng não bộ người trưởng thành. Đến 3 tuổi, não bé đã có một sự phát triển đáng kể để đạt mức 75%.
Trong quá trình từ 0 - 3 tuổi, hệ thống tế bào thần kinh trong não sẽ được xây dựng và kết nối với nhau. Các kết nối này gọi là khớp thần kinh. Theo Tiến sĩ Diane Bales - tác giả cuốn sách: Building Baby's Brain: The Role of Music, các khớp thần kinh được dùng khi nghe nhạc cổ điển cũng tương tự như khi bạn lập luận về không gian và thời gian. Kỹ năng này rất cần thiết cho việc học toán. Vì vậy, có một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng để giúp con học tốt hơn là mở nhạc cổ điển cho con nghe trong lúc bé đang giải toán.
2. “Hiệu ứng Mozart”
Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Nature, năm 1993 đã gây được sự chú ý của đông đảo độc giả. Dựa vào việc khảo sát và điều tra sở thích nghe nhạc của các sinh viên đại học, nghiên cứu đã phát hiện ra một số người “trở nên” thông minh hơn sau khi nghe nhạc Mozart. Ngay lập tức, khái niệm “hiệu ứng Mozart" đã ra đời. Kết quả nghiên cứu này gây ra một sự hiểu nhầm rằng nhạc cổ điển sẽ giúp con người nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng thông minh hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Tiến sĩ Frances Rauscher và Nhà tâm thần học Gordon Shaw đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với âm nhạc có những tác động nhất định lên khả năng nhận thức. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những trẻ mẫu giáo được học nhạc tỏ ra nhanh nhạy hơn trẻ học tin học khi nói tới các vấn đề về không gian và thời gian.
Một nghiên cứu khác của đại học Brigham Young cũng cho thấy việc được nghe nhạc đều đặn từ khi còn ở tuổi sơ sinh - giai đoạn tiếp thu nhanh nhất sẽ giúp não bộ trẻ có sự phát triển vượt bậc. Tiến sĩ Diane Bales nói: “Nghe nhạc cổ điển chỉ mang đến cái lợi tạm thời, nhưng việc được tiếp thu những bài học nhạc trong thời gian dài là có ích thực sự. Bởi những bài học này có thể tăng cường sự kết nối của các khớp thần kinh trong não”.
3. Âm nhạc và học tập
Theo Trung tâm Âm nhạc học tại đại học Texas, trẻ sơ sinh có thể phân loại kích thích thính giác, ví dụ như nhận ra được một tiếng động và nhiều tiếng động là khác nhau. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sơ sinh ở tháng thứ 7 có thể phân biệt âm sắc, giai điệu và có thể nhận ra giai điệu nếu bạn chỉ chơi nó trên một nhạc cụ duy nhất.
Ca hát là một biện pháp lý tưởng để thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Bên cạnh đó, việc được nghe những câu từ có vận điệu và lặp đi lặp lại sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ của bé. Như trên đã nói, não bộ của bé chưa phát triển hoàn thiện khi mới ra đời. Bé cần những bài học, những kích thích bên ngoài để các tế bào thần kinh trong não có thể kết nối mạnh mẽ với nhau.
Âm nhạc không chỉ mang đến cho bé những “kích thích” cần thiết này mà còn giúp bé tăng cường khả năng nhận thức, học hỏi và khả năng ngôn ngữ. Được nghe nhạc từ sớm sẽ hứa hẹn một tương lai học vấn rực rỡ của bé về sau.
4. Nhạc cổ điển không phải lựa chọn tối ưu
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh đã tỏ ra yêu thích giai điệu của nhạc cổ điển hơn bất kỳ thể loại âm nhạc nào khác. Nhạc cổ điển có cấu trúc phức tạp hơn và cần đến nhiều nhạc cụ hòa tấu. Dễ hiểu tại sao việc nghe nhạc cổ điển lại có ích lợi trong việc kích thích các tế bào não làm việc.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Diane Bales, các bậc phụ huynh không nên “thần thánh hóa” nhạc cổ điển trong việc xây dựng trí thông minh cho con. Ông cho rằng bất kỳ loại nhạc nào cha mẹ nghe được thì cũng có ích đối với việc phát triển não bộ và giúp trẻ thư giãn. Một bài viết trên tờ The Washington Times cũng đồng ý rằng bất kể là nhạc cổ điển, Pop, Jazz, Blues hay thậm chí là Rock & Roll… đều tốt cho trẻ và bạn không nên có sự “phân biệt đối xử” khi cho con nghe nhạc.
Tốt nhất là cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều thể loại nhạc để khám phá sở thích riêng của con và giúp việc nghe nhạc bớt nhàm chán.
Theo phunuvagiadinh.com.vn