Rèn 'cái tôi' lành mạnh cho trẻ dưới 3 tuổi

Rèn 'cái tôi' lành mạnh cho trẻ dưới 3 tuổi

giaoductre-JPG-1374463435_500x0.jpg
Trước 3 tuổi, trẻ vẫn chưa phân biệt rõ ràng những thứ thuộc về mình hay của người khác, vì vậy cha mẹ cần giúp bé phân biệt về các giới hạn, điều gì được và không được phép làm. 



Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, khi được một tuổi, bé tình cờ soi gương. Nó nhìn chăm chú rất lâu ảnh mình trong gương, sau đó sờ tay lên mặt gương ở vị trí cái mũi có chấm đỏ. Đứa trẻ khoảng 15 tháng tuổi đến gần hơn và sờ vào mũi mình. Thông thường khi được hai tuổi, mọi đứa trẻ đều làm như vậy.

Để rèn ý thức về "cái tôi" cho trẻ, cha mẹ cần 
giúp các em phân biệt đâu là giới hạn, sự khác nhau
giữa những điều được phép và không được phép làm. 
Ảnh: Thi Ngoan.
Đến 20-24 tháng, bé bắt đầu nhận ra sự khác nhau giữa hình ảnh của mình trong đám trẻ con cùng tuổi. Sự ý thức về cái tôi (tự ý thức) bắt đầu từ khi bé nhận ra chính mình là một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh.
Đầu tuổi ấu nhi, trẻ còn ở trong tình trạng chưa xác định được bản thân. Trẻ nhận biết bản thân từ sự bắt chước thái độ của người khác đối với mình, ví dụ trong cách xưng hô, trẻ thường xưng tên như người khác đã gọi nên thường đáp lại kiểu như “Bin ngủ mà”, "Bin ngoan mà"...
Cuối tuổi ấu nhi, trẻ bắt đầu nhận biết mình là ngôi thứ nhất (lúc này bé xưng mình là "con", "em", "anh" và cả "tao" với người khác). Trẻ nhận ra tên gọi gắn liền với bản thân. Các em bắt đầy chú ý đến hình dáng của mình, các bộ phận, mắt, mũi, tay, chân và cả giới tính. Khi đó bé thích soi gương, rồi nhìn vào hình bóng mình; đứng gọi mình trong gương. Trẻ bắt đầu biết tự nhận xét, đánh giá bản thân. Ban đầu, sự đánh giá của các em dựa vào lời nhận xét của người lớn, rồi trẻ tự liên hệ mình với các nhân vật trong những câu truyện được nghe "ngoan" hay "hư".
Khi làm một việc gì đó mà được khen, trẻ thường làm đi làm lại hành động để được tán thưởng. Mong muốn được người lớn khen ngợi là nhu cầu lớn của trẻ, nên trẻ cố gắng để được khen thật nhiều. Trẻ nhận ra khả năng và sức mạnh của mình thông qua các hành động với đồ vật, ví dụ múc nước đầy xô, tắt đèn, bật đèn… Hễ làm được việc gì, trẻ tỏ ra thích thú và làm nhiều lần như vậy.
Sự tự ý thức còn biểu hiện việc trẻ muốn hiểu về bản thân trong quá khứ và mong muốn về mình trong tương lai. Chẳng hạn một em bé 3 tuổi hay nói: “Lúc con còn nhỏ, con hay tè dầm. Khi nào con lớn, con hết tè dầm, mẹ mua cho con cặp đẹp để con đi học và nhiều chuyện Đôrêmon cho con đọc nha”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh khuyên, để giúp trẻ hình thành ý thức về "cái tôi" lành mạnh, người chăm sóc cần lưu ý:
Trước ba tuổi, trẻ vẫn chưa phân biệt rõ ràng những thứ thuộc về mình hay của người khác. Vì vậy cha mẹ cần giúp trẻ phân biệt các giới hạn, sự khác nhau giữa những điều được phép và không được phép làm. Nếu trẻ có cầm nhầm đồ của nhà trẻ, của người khác về, người lớn không nên vội la mắng trẻ là hư hỏng, ăn cắp, cần nhẹ nhàng dạy cho trẻ hiểu rằng hành động như thế là không đúng. Nhưng nếu trẻ trên ba tuổi cầm nhầm thì cần nghiêm khắc hơn với trẻ.
Thi Ngoan
Nguồn : vnexpress.net