Có đáng lo khi tính con hướng ngoại?



(Webtretho) Khi cố gắng xác định tính cách của con để có hướng nuôi dạy cho đúng, bạn rất dễ gán con vào dạng công chúa ngủ trong rừng, mọt sách thích ngồi lì một chỗ hay đứa trẻ siêu quậy, tăng động không thể ngồi yên. Và một khi đã dán xong nhãn cho con, chúng ta sẽ lập tức có những băn khoăn lo lắng.


Nếu con bạn hướng ngoại?

Nếu con bạn là đứa trẻ thích tham gia vào hội nhóm, những nơi đông người, những môn thể thao đồng đội thì sao? Đâu có sao! Ít nhất là không sao cho đến khi bạn phải nhận cuộc gọi “mắng vốn” từ cô giáo ở trường vì con bạn quá “tích cực” làm trò trong lớp, trêu chọc các bạn, đùa dai hoặc không tập trung làm bất cứ chuyện gì.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng những người hướng ngoại có thể phản ứng lại mạnh mẽ hơn với dopamine, một hóa chất tiết ra từ não khi chúng ta tham dự vào những trò vui hay những câu chuyện thú vị. Những đứa trẻ hướng ngoại luôn trong trạng thái sẵn sàng rủ rê người khác làm gì đó hoặc tìm kiếm những trò mới lạ để làm. Khi đối mặt với một tình huống mới, một người hướng ngoại có khuynh hướng tập trung vào những “phần thưởng” tiềm năng. Chẳng hạn nếu được đưa cho một cây súng nước to, bé hướng ngoại có thể nghĩ, Cây súng nước này bắn “hoành tráng” lắm cho coi! (Trong khi đó, một đứa trẻ hướng nội có thể nghĩ, Chơi súng nước cũng vui đấy, nhưng mà sau đó thì người sẽ ướt nhem. Hy vọng là mọi người không bắn nước vào mắt mình.)


Với tính hướng ngoại của mình, bé có thể rất tích cực trêu chọc người khác (Ảnh: Real Simple)

Thừa nhận (và chấp nhận) rằng bé cần phải thể hiện. Hãy cho con biết rằng bạn hiểu bé muốn chia sẻ những ý tưởng trong đầu nhưng con cũng cần hiểu được rằng người khác cũng cần được lên tiếng chứ không thể một mình bé “cướp diễn đàn”. Bạn có thể giúp con tập luyện điều này trong giờ ăn tối bằng cách: Mọi người kể chuyện theo lượt, nếu đứa con hướng ngoại hiếu động của bạn chen ngang thì hãy bảo bé chờ, bạn sẽ lắng nghe ý kiến của bé sau. Sự ghi nhận và bảo đảm này sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi chờ đợi.

Lên kế hoạch “ngồi yên”. Dù một đứa trẻ hướng ngoại có thể có nguồn năng lượng vô biên để làm rất nhiều thứ nhưng bạn hãy chắc chắn bé dành thời gian (khoảng nửa tiếng chẳng hạn) để chỉ yên lặng nghe nhạc hoặc đọc sách. Hãy giúp con nhận ra ích lợi của khoảng thời gian riêng tư này; bạn có thể giúp bé liên hệ nhân quả bằng cách nói “Sau khi nghỉ ngơi một chút trông con có vẻ khỏe hơn đấy, con có thấy thoải mái hơn không?”

Biết những giới hạn của bản thân. Mong muốn trò chuyện và kết nối của một đứa trẻ hướng ngoại thỉnh thoảng có thể quá sức chịu đựng, đặc biệt nếu bạn là một người hướng nội, nhưng bạn đừng để đến khi “ức chế” và phải quát lên “Có thôi nói ngay không thì bảo!” Nếu con bạn còn nhỏ, và bạn cần nghỉ ngơi thì hãy bảo với bé rằng, “Con kể chuyện vui lắm, nhưng bây giờ mẹ cần yên tĩnh một chút, con kể chuyện cho các bạn thú bông trước đi nhé.” Nếu con bạn đã lớn hơn, hãy thử cho bé sử dụng một chiếc máy ghi âm, không chỉ được nói cho đã mà các bé còn rất thích ghi lại giọng nói của mình.

Ghi nhận những cố gắng. Trẻ hướng ngoại có khuynh hướng hành động một cách bốc đồng. Vậy nên khi bé thể hiện được sự kiềm chế, hãy cho con biết bạn ghi nhận điều đó bằng những câu nói như “Mẹ thấy con đã cố gắng yên lặng chờ mọi người dù mẹ biết là con đã rất muốn rời bàn để chạy đi chơi, con của mẹ giỏi lắm!”

Khuyến khích niềm đam mê của bé. Đây là lời khuyên nên áp dụng với mọi đứa trẻ, tất nhiên là vậy, nhưng đặc biệt nên áp dụng cho những bé hướng ngoại bởi khi đã có đam mê, bé sẽ có thể thoải mái hơn trong việc tự giúp vui cho chính mình được trong những năm tháng tuổi teen – khoảng thời gian mà các bé hướng ngoại rất dễ bị cuốn vào đám đông.






Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Realsimple.com