ỨNG XỬ KHI CON BỊ ĐIỂM KÉM
Ứng xử của cha mẹ khi con bị điểm kém rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ. Nó sẽ giúp trẻ hiểu rõ bản thân mình và tự tin hơn trong cuộc sống, học tập, nhưng cũng có thể khiến trẻ bi quan, thiếu tự tin về bản thân mình. Khi con bị điểm xấu, các bậc phụ huynh cần làm gì để giúp con học tốt hơn?
Còn theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em (174 Lê Quang Định, TPHCM), những trường hợp trẻ gặp thất bại trong chuyện học hành đến phòng khám tư vấn như trên không phải là hiếm. Con đường học hành của trẻ luôn thuận buồm xuôi gió, trẻ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thất bại. “Vì thế khi gặp trở ngại, trẻ rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo lắng, tâm trạng tụt dốc. Với những trẻ khác, đó có thể chỉ là chuyện bình thường nhưng với những trẻ chưa bao giờ thất bại thì đó lại là một cú sốc lớn về tinh thần”. anh Khanh nói.
Ngoài ra, một số cha mẹ lại tỏ ra quá quan trọng hóa, mất bình tĩnh khi con không làm được cái này cái kia. Khi thấy con thi trượt, bài kiểm tra bị điểm kém, ngay lập tức nhiều phụ huynh đã lên án, thậm chí kết luận về nhân cách của con “Sao mày ngu thế”, “Sao mày dốt thế ”, hay so sánh với bạn bè của trẻ “Mày học hành thế nào mà để đến mức cô giáo gọi điện cho bố mẹ vậy hả con? Chả như con của bà…”.
Các chuyên gia tâm lý cho biết nếu ngay từ đầu cha mẹ đã “phủ đầu” con bằng việc phán xét, kết tội thì sau đó có nói gì trẻ cũng sẽ không nghe, thậm chí tỏ thái độ ghét bố mẹ. Ngoài ra, một số người thay vì dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn bằng cách rút kinh nghiệm thì lại cấm con không cho làm việc đó nữa, hoặc tìm cách đổ lỗi thất bại cho ngoại cảnh hay một ai khác… Đây đều không phải là cách xử lý phù hợp. “Trẻ chưa bao giờ được khen, toàn chê, việc đó khiến trẻ hình thành thái độ ỷ lại, không làm được thì thôi để đấy, không cần phải cố gắng, động não để làm. Trong khi đó, có những bài nếu biết cách hướng dẫn, giúp đỡ thì trẻ hoàn toàn có thể làm được”, chị Hà nói.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, trước hết cha mẹ cần đánh giá đúng năng lực của con, không quá kỳ vọng nhưng cũng không nên đánh giá thấp khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần tạo cho trẻ niềm tin vào bản thân. Bản thân trẻ cũng phải biết cách chia sẻ, tự tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn của mình. Đồng thời, cha mẹ cần dạy con biết chịu đựng và vượt qua những thất bại. Thất bại không phải là điều tồi tệ. Con người ta khi thành công không học được điều gì, sẽ quên ngay nhưng khi gặp thất bại họ lại nghiền ngẫm nó và từ đó rút ra được những bài học từ chính thất bại của mình. Từ đó, giúp trẻ có cái nhìn tích cực hơn. Bố mẹ cần tỏ bình tĩnh trước thất bại của con, không nên quát mắng hay đánh đập trẻ mà trước hết cần chăm chú lắng nghe tâm sự của con. Sau đó, cùng trẻ phân tích điều kiện khách quan, chủ quan, dưới nhiều góc độ để trẻ có thể biết được thất bại của mình là do đâu: “Có thể con chưa cố gắng”, “có thể con hơi chủ quan”. “Bố (mẹ) biết nếu đặt trong tình huống khác, con sẽ làm tốt hơn”…
GIÚP CON VƯỢT QUA THẤT BẠI
Đặt vấn đề này, Th.S Xã hội học Phạm Thị Thanh Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho rằng: Khi trẻ bị điểm xấu, phụ huynh tức giận mà đánh đập con dù vì lý do gì cũng rất có hại cho sự phát triển của trẻ, kể cả về thể chất và tinh thần. Đánh con không những làm con bị tổn thương trên cơ thể, mà còn để lại những vết thương lòng. Vết thương trên da thịt có thể sẽ lành nhưng vết thương lòng thì nặng nề hơn rất nhiều. Trẻ có thể trở thành người hung hãn, giải quyết mọi việc bằng bạo lực hoặc trở nên cô độc, co rút, tự ti, mặc cảm. Đánh con vì điểm xấu còn khiến con sợ học, ghét học, thù ghét bài vở, thầy cô, thù ghét chính cha mẹ. Đánh, mắng, la… khi con học kém là cách nhanh nhất khiến con mất tập trung vào bài, càng học càng không vào, cành đánh chửi, càng học dốt là vậy. ThS Thanh Thúy khuyên: Khi con bị điểm xấu cần bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân. Hỏi con với một thái độ thông cảm, mong giúp con lần sau học tốt hơn để con mạnh dạn tự nhận tại sao bị điểm kém. Có thể điện thoại hỏi cô giáo tình hình học tập gần đây của con. Điểm kém có thể do nhiều nguyên nhân: có thể do con mệt, ốm,… lúc làm bài. Có thể do học không kỹ bài, chủ quan. Có thể do hiểu bài chưa kỹ. Có thể do tác động từ bạn bè, bạn bảo bài sai,… Có thể do mải chơi, chán học (nguyên nhân sâu xa có thể do buồn chán từ việc gia đình, việc bạn bè…). Và khi đã rõ nguyên nhân, cha mẹ nên cùng con tìm hướng khắc phục lâu dài. Học sa sút có nguyên nhân lâu dài thì cũng cần thời gian dài để trẻ thay đổi, cải thiện chất lượng học tập. Phụ huynh cần có suy nghĩ tích cực về việc điểm kém: đôi khi điểm kém là đánh giá đúng thực lực học của con, để con không ảo tưởng về bản thân, không chủ quan. Từ đó cả cha mẹ và con cái cùng chú tâm đầu tư quan tâm đến việc học hơn. Cần tạo động lực học cho con. Khi có mục tiêu, động lực mạnh mẽ về việc học để làm gì trẻ sẽ tự giác học, từ đó có thái độ học tập đúng đắn, có đam mê… từ từ sẽ cải thiện tốt điểm số và việc học lâu dài.
Còn Th.S Trần Thị Ái Liên – Công ty TNHH Bạn của Bé cho rằng: khi con bị điểm xấu, phụ huynh không nên trách con, bởi lúc này con còn dưới 18 tuổi, chưa phát triển. Chỉ mới là ở dạng tiềm năng chưa có khả năng. Phụ huynh nên đánh giá con theo sự cố gắng, chứ không phải kết quả. Quan trọng khả năng của con thế nào, nếu khả năng kém mà không làm được thì dẫn đến con chán nản và sẽ bỏ cuộc hoặc là phải dùng mọi thủ đoạn để có 10 điểm. ThS Liên khuyên: Mỗi ngày con ngồi vào bàn học đúng giờ, đúng thời lượng là tốt rồi. Đừng đòi hỏi điểm cao hay thấp, nên dạy cho con biết phải cố gắng chứ không học vì kết quả. Dạy con biết hạnh phúc trong việc làm chứ không phải kết quả.
“Hạnh phúc, thành công là đường đi chứ không phải là điểm đến”, mỗi ngày có sự vui thú làm bài là tốt rồi, là điều đáng khen. Không nên là điều duy nhất, không nên là thước đo của sự học hành, thước đo của học hành là ý thức chứ không phải điểm số, bởi điểm số cũng chỉ là chủ quan của thầy cô. Hãy dạy con mình học vì kiến thức, vì thích thú và mở rộng tư duy qua học hành, chứ không phải kết quả. Khi con bị điểm số xấu không sao, quan trọng là con có tiến bộ hay không, có thích thú việc học hay không. Phụ huynh phải rõ ràng trong tư duy, không nên làm lớn chuyện, điểm tốt cũng không nên khen con quá, điểm thấp không nên chê mà nên khuyến khích. Nói với con “sông có khúc, người có lúc” không phải ai bao giờ cũng thất bại, điều quan trọng nhất là khi thất bại phải biết đứng lên, và phải biết rút ra kinh nghiệm khi bị điểm xấu cho lần sau để phấn đấu tốt hơn. Chẳng có đứa trẻ nào thích điểm số, nếu cha mẹ la rầy đánh đập chỉ làm khổ con, cha mẹ hãy là chỗ dựa tinh thần cho con trong những trường hợp con bị thất bại để giúp con đứng lên sau đó.
“Tạo cho con không gian học tập riêng: đủ ánh sáng, thoáng, yên tĩnh giúp các con cảm thấy thoải mái trong quá trình tự học ở nhà. Cha mẹ, thầy cô thay đổi quan niệm về bệnh thành tích với con cái, không nên giao quá nhiều bài tập, hoặc đăng kí lịch học thêm quá dày khiến các con không có thời gian giải trí, rèn luyện thể dục thể thao. Dạy con kỹ năng tự học, cách xây dựng thời gian biểu học tập, gồm: Chương trình đang học, ôn lại các chương trình đã học, thời gian vui chơi… Tạo môi trường học tập trong gia đình: Cha mẹ học, con cái học, cùng nhau nghiên cứu một số chủ đề học tập chung…”
PHẠM THỊ KIM QUYÊN – Giáo viên trường THPT dân lập Đông Dương (TPHCM)
“Phụ huynh cần có suy nghĩ tích cực về việc điểm kém: đôi khi điểm kém là đánh giá đúng thực lực của con, để con không ảo tưởng về bản thân, không chủ quan. Từ đó cả cha mẹ và con cái cùng chú tâm đầu tư quan tâm đến việc học hơn. Cần tạo động lực học cho con. Khi có mục tiêu, động lực mạnh mẽ về việc học để làm gì trẻ sẽ tự giác học, từ đó có thái độ học tập đúng đắn, có đam mê… từ từ sẽ cải thiện tốt điểm số và việc học lâu dài.”
Th.S Xã hội học PHẠM THỊ THANH THÚY