10 CÁCH GIÚP TRẺ 5-6 TUỔI TẬP TRUNG

Trẻ từ 5- 6 tuổi rất hiếu động và có nhiều “mối quan tâm”. Trẻ cũng có thể mau chán khi làm một việc gì đó. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể giúp nâng cao dần khả năng tập trung của bé. 


Cha mẹ cần nắm bắt tâm lí trẻ và cố gắng hiểu con
1. Cảm thông với trẻ: Bạn có thể nhận thấy trẻ khó chịu và bực mình khi phải ngồi một chỗ mặc dù chúng cũng rất muốn tập trung ngồi chơi hoặc ngồi học như anh chị của mình, đừng vội mắng chúng.
2. Giảm mọi âm thanh (nhạc, tivi…) có thể làm cho trẻ mất tập trung: Khi đến giờ bé ngồi vào bàn học hoặc làm một việc gì cần sự tập trung thì hãy tắt nhạc hoặc tivi đi.
3. Ngồi cùng với trẻ: Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một đứa bé ngồi chơi đồ chơi lâu hơn nếu có cha hoặc mẹ ngồi chơi cùng. Bé tập trung vào chơi và chơi lâu hơn vì bé cảm thấy yên lòng, thoải mái và dễ chịu khi có bạn ở bên cạnh.

Tạo cho trẻ một góc học tập yên tĩnh, thoáng đãng
4. Tạo góc học tập yên tĩnh: Trẻ không thể tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Tập sách phải luôn được sắp xếp gọn gàng, bút viết phải bỏ vào hộp, dẹp hết sách báo cũ…
5. Đặt mục tiêu sao cho bé có thể đạt được: Đừng bao giờ nổi giận vì trẻ không thực hiện được mục tiêu mà bạn đề ra. Cơn giận của bạn sẽ làm cho trẻ thất vọng với chính bản thân mình và đánh mất dần lòng tự trọng. Bạn nên bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải, ví dụ như bé phải tập trung làm bài tập nhà trong vòng 5 phút tối nay. Thiết lập khoảng thời gian thích hợp với bé.
6. Dần dần tăng thời gian trẻ cần phải tập trung: Một khi bé đã đạt được sự tập trung trong khoảng thời gian bạn đề ra, hãy kép dài thêm 30 giây nữa vào tối hôm sau. Hãy nói cho bé biết bạn đang làm gì và mục tiêu mới cần phải thực hiện.
7. Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: Hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc bé chơi là lúc bé thư giãn và sau đó bé có thể tập trung tốt hơn. Cho bé chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở bé quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.

Khuyến khích trẻ chủ động và thực hành kĩ năng tập trung
8. Quan sát: Có đôi khi bé có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp bé tập trung trong thời gian lâu như vậy? Bé thích làm bài tập này, bé thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?
9. Trao cho bé quyền làm chủ: Có sự khác biệt giữa giúp đỡ và trách nhiệm. Nếu bạn nghĩ đó là trách nhiệm của bạn thì bé sẽ phụ thuộc hẳn vào bạn. Khuyến khích trẻ tự chủ động làm mọi việc của chúng và thực hành kỹ năng tập trung.
10.  Thường xuyên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm của trẻ: Tìm hiểu xem trẻ có tập trung học trong lớp không. Chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất để giúp trẻ tập trung tốt, học tốt.


Theo hotkids.vn