Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Chắc chắn nhiều người đã từng nghe đến một kết luận khoa học khá nhảm nhí, đó là con người mới chỉ sử dụng hết 10% bộ não. Đây là một kết luận hết sức sai lầm, trên thực tế nếu con người chỉ sử dụng được khoảng 10% bộ não thì sẽ không khác gì các loài động vật. Tuy nhiên mọi người vẫn truyền tai nhau điều này và vẫn nghĩ rằng nó là sự thật, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng nếu có thể sử dụng hết 90% còn lại của bộ não thì con người sẽ có những khả năng siêu nhiên. Vậy nguyên nhân vì sao và thực tế chúng ta đang sử dụng bao nhiêu phần trăm của bộ não?
Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Nguồn gốc của quan niệm này
Quan niệm con người sử dụng 10% của bộ não xuất phát từ một nghiên cứu của Jean Pierre Flourens, một trong những người đầu tiên sáng lập ra nhận thức khoa học hiện đại, phát minh thuốc gây mê và là người có công lớn trong việc chứng minh bộ não vẫn có ý thức trong thời gian ngắn khi tim ngừng đập. Trong một nghiên cứu của mình về hoạt động của khu vực bán cầu não, Jean phát hiện ra một vùng khá lớn trên bán cầu não mà được gọi là vỏ não liên kết không có chức năng gì hết, cũng có nghĩa là nó không hoạt động.
Một giả thuyết khác đến từ hai nhà tâm lý học tại Harvard là William James and Boris Sidis, đó là năng lượng dự trữ lý thuyết trong bộ não. Trong nghiên cứu của mình, hai nhà tâm lý học đã tiến hành các bài kiểm tra đối với nhiều đứa trẻ thiên tài với chỉ số IQ trên 200. Họ tin rằng mỗi một con người đều có một nguồn năng lượng tiềm ẩn về cả tinh thần và thể chất. Trong cuốn sách The Energies of Men, James phát biểu “Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ của sức mạnh tinh thần và thể chất, có thể đó chỉ là 10% so với khả năng tinh thần tiềm ẩn mà chúng ta có thể sử dụng”.
Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Cho đến năm 1930, quan niệm con người chỉ sử dụng 10% bộ não càng được khẳng định và tin tưởng nhờ nghiên cứu của nhà tâm lý học người Mỹ, Karl Lashley. Nghiên cứu của ông nhằm tìm ra mối liên hệ giữa khối lượng của não và các chức năng điều khiển cơ thể cũng như suy nghĩ. Lashley phát hiện ra những con chuột thí nghiệm có khả năng ghi nhớ lại cũng như học hỏi ngay cả sau khi phải chịu những tổn thương ở vỏ não.
Một vài nghiên cứu khác trong thế kỷ 20 chỉ ra rằng chỉ có 10% các tế bào thần kinh trong não là hoạt động tại một thời điểm. Ngoài ra có nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 10% của bộ não bao gồm các tế bào thần kinh, phần còn lại là các tế bào thần kinh đệm với nhiệm vụ hỗ trợ và điều tiết các tế bào thần kinh chính.
Một quan niệm hoàn toàn sai lầm
Tuy nhiên những hiểu biết của khoa học về bộ não của con người lúc bấy giờ còn rất hạn chế. Lĩnh vực khoa học thần kinh hiện nay đã có nhiều bước tiến nhảy vọt, mà nhờ đó chúng ta đã lý giải được nhiều điều bí ẩn về bộ não con người.
Bộ não con người chiếm 1/40 khối lượng cả cơ thể, tuy nhiên nó tiêu thụ 1/5 lượng calo cần cho cả cơ thể. Từ một quan điểm tiến hóa, trong đó mỗi cơ quan trong cơ thể được nuôi dưỡng và phát triển hơn nhờ tác dụng của nó. Một bộ não sử dụng tới 20% năng lượng của cả cơ thể mà chỉ mới hoạt động với hiệu suất 10% quả thực là điều khá vô lý. Nếu vậy thì có lẽ các thiên tài sẽ phải ăn gấp 4-5 lần người bình thường.
Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Nếu thực tế bộ não của chúng ta có 90% không sử dụng đến, thì những tổn hại đến 90% đó của não bộ sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chức năng bình thường của một người. Hãy thử tưởng tượng bạn gọt bỏ 90% của bộ não và vẫn có thể sống bình thường, đó là điều không thể. Trong thực tế, một tổn thương nhỏ ở bất kỳ khu vực nào của bộ não đều có những ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng hoạt động, suy nghĩ của con người. Những tổn thương não có thể dễ dàng dẫn đến đột quỵ, bại liệt hay suy giảm thần kinh nghiêm trọng.
Với công nghệ soi phát xạ positron (PET) và chụp cộng hưởng từ (fMRI), chúng ta có thể theo dõi hoạt động của bộ não và của từng khu vực khác nhau. Kết quả cho thấy, hầu hết các khu vực của não bộ đều hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào. Ngay cả trong lúc ngủ vẫn có một phần của bộ não hoạt động.
Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Các nhà khoa học còn dựa vào những hình ảnh chụp hoạt động của bộ não để lập nên bản đồ chức năng của từng vùng não bộ. Dựa trên bản đồ này, tất cả các vùng của não bộ đều đảm nhận một chức năng nhất định. Mặc dù có một số chức năng mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ. Tuy nhiên nó cho thấy không có một vùng nào của bộ não là chưa được sử dụng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự chỉ dùng 10% bộ não
Có thể nói bộ não của chúng ta luôn hoạt động hết công suất, có lẽ nó chỉ nghỉ ngơi một chút khi chúng ta đi ngủ. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chỉ còn sử dụng được 10% của bộ não (giả thuyết bằng cách nào đó bạn vẫn sống sót). Theo một nghiên cứu tại đại học Washington, kết quả không mấy khả quan.
Bộ não con người nặng khoảng 1.400 gram, nếu bỏ đi 90% bộ não, chúng ta sẽ có một bộ não nặng khoảng 140 gram. Đó là kích thước tương đương với bộ não cừu. Chúng ta sẽ mất hết các khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hay học tập cũng như giao tiếp. Chỉ còn lại những chức năng cơ bản nhất của loài vật. Đó là chưa kể việc mất đi một số khu vực điều khiển có thể khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc di chuyển, cử động, thậm chí bị bại liệt.
Nếu con người chỉ sử dụng 10% bộ não, chúng ta sẽ không khác gì loài cừu.
Nếu con người chỉ sử dụng 10% bộ não, chúng ta sẽ không khác gì loài cừu.

Bởi bộ não của một con cừu tuy không lớn, nhưng nó có đầy đủ các chức năng cần thiết giúp nó sống và tồn tại. Trong khi đó con người chưa được làm quen với việc sống như loài cừu, do đó mà phần trăm sống sót của chúng ta sẽ ít hơn cả những con cừu.
Như vậy bạn đã có được câu trả lời cho mình rồi. Và cũng không hề có chuyện năng lực siêu nhiên như di chuyển đồ vật, hay thông minh một cách siêu việt nếu có thể khai thác được sức mạnh tiềm ẩn của bộ não. Bộ não con người là một bộ máy rất tinh vi, có thể nó sẽ tiếp tục phát triển với điều kiện con người không ngừng học tập và rèn luyện.

Trích: genk.vn